Cùng Aplaza Nghe Podcast Truyện cổ tích Việt Nam – Truyện cổ tích Chàng Ngốc được kiện
Có một anh chàng nọ quá dỗi thật thà nên mọi người gọi anh là thằng Ngốc. Chàng Ngốc khoẻ mạnh, yêu đời và lao động giỏi. Anh chàng nghèo khổ, không cửa không nhà phải đi ở mướn cho một tên trọc phú. Anh làm lụng quần quật suốt ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác. Thấy anh khoẻ mạnh dễ sai bảo nên sau năm năm nghe anh ta đòi tiền công, hắn dỗ dành anh thêm cho hắn năm năm nữa. Lại năm năm nữa trôi qua. Thấy anh đòi tiền công để về, lão trọc phú lại dỗ:
– Mày ở với tao đã lâu thành ra thân tình trong nhà nên tao không nỡ chia tay ngay với mày. Thôi mày ở với tao thêm năm năm nữa rồi tao đưa tiền công cả mười lăm năm ba nén vàng. Lúc đó thì mày tha hồ giàu có.
Nghe bùi tai, chàng Ngốc lại dồn hết sức lực làm việc quần quật cho lão trọc phú thêm năm năm nữa. Lần này hết hạn anh một mực đòi thôi việc. Dỗ mãi cũng không được, lão trọc phú bèn mang vàng ra trả. Chàng Ngốc cầm vàng hý hửng đi mà đâu biết được lão trọc phú đưa cho toàn vàng giả. Có tiền trong tay chàng Ngốc định đi ngao du thiên hạ cho thoả lòng mong ước được biết đó biết đây sau bao nhiêu năm lao động nhọc nhằn. Ði được một hồi anh ghé vào nhà một người thợ bạc. Người thợ bạc hỏi cho biết anh là ai và đi đâu, thì chàng Ngốc kể hết chuyện mình ra sao, được trả công như thế nào. Nhìn mấy nén vàng anh ta khoe người thợ bạc thấy anh chàng này ngốc nghếch nên định bụng lừa, hắn bảo:
Ở chốn thành đô chỉ có nhà quyền uy mới xài được, chớ dân thường thì rát khó lắm, tốt hơn hết anh nên đổi ra bạc nó dễ tiêu lắm. Sẵn đây tôi có mấy nén bạc anh thích thì tôi đổi hộ cho, cứ một vàng ăn hai bạc.
Nghe có lý chàng Ngốc khẩn khoản xin đổi hộ. Không ngờ lão thợ bạc lại đưa sáu thỏi chì giả bạc. Chàng Ngốc cầm lấy cầm lấy cám ơn rối rít và lại vui vẻ lên đường.
Ðến một nơi khác trên đường tới kinh đô anh chàng gặp một thợ giày. Mải nói chuyện vui miệng với người đó anh kể là mình có sáu thỏi bạc. Hắn biết là bạc giả song đang cần chì nên gạ đổi lấy một nghìn tờ giấy, hắn chỉ vào thứ giấy lụa giả của mình và bảo:
– Ðây là thứ “lụa đinh kiến” quý lắm, anh nên đem tới kinh đô bán, cứ mỗi vuông lấy một quan tiền thì tha hồ mà tiêu.
Nghe bùi tai chàng Ngốc đồng ý ngay. Khi ngang qua trường học thấy một người học trò đang chơi chong chóng thấy giấy xanh mà cả đời anh chưa thấy bao giờ nên thích lắm bèn tới xem và hỏi:
– Cái gì thế này?
Cậu học trò láu lỉnh nói đùa:
– Ðây là cái “thiên địa vận” dùng nó có thể biết được việc trời đất, mọi việc thế gian đều tỏ tường, nó quý lắm vì điều gì cũng đoán được trước.
Chàng Ngốc nghe vậy bèn gạ đổi lấy một nghìn vuông lụa đinh kiến của mình. Cậu học trò tất nhiên là đồng ý luôn.
Với “thiên địa vận” trong tay, chàng Ngốc nghĩ đã đến lúc được mọi người sẽ kính phục hết nhẽ. Qua một cánh đồng rộng chàng Ngốc thấy đám trẻ chăn trâu đang chơi một con niềng niễng lớn có đôi cánh xanh đỏ rất đẹp. Tò mò anh lại xem. Bọn chúng không muốn cho anh xem nên chúng nói dóc anh hốt hoảng.
– Anh tránh ra đi, đây là “ngọc lưu ly” quý hiếm lắm. Ðeo nó vào người thì hè mát, đông ấm, đến đức vua cũng chưa chắc đã có.
Chàng Ngốc nghe vậy nghĩ là không ngờ lên đời có của quý đến thế, quý tới mức đến đức vua cũng chưa có. Anh chàng bèn đem “thiên địa vận” của mình ra gạ đổi, lũ chăn trâu thấy chong chóng đẹp nên bằng lòng đổi. Chúng bỏ con niềng niễng vào túi còn thắt miệng lại dặn thằng Ngốc:
– Lúc nào về đến nhà thì mở xem. Không thì ngọc bay mất đấy.
Ðược viên ngọc quý rồi chàng Ngốc định bụng vào triều dâng vua để ngắm cảnh vương triều. Nhưng tới cửa ngọ môn thì chàng ta bị lính gác chận lại. Chàng Ngốc than vãn:
– Tôi đi làm thuê, làm mướn những mười lăm năm trời vất vả mới được ba nén vàng, rồi đổi lấy sáu thỏi bạc, đến một ngàn vuông “lụa định kiến”, đến cái “thiên địa vận” cuối cùng viên ngọc quý đó, vậy cớ sao không cho tôi vào.
Lúc đó có một gian thần đi ngang qua nghe chàng Ngốc nói có hột ngọc lưu ly hắn liền nổi lòng tham liền nhận lời dẫn chàng Ngốc vào bái kiến, hắn bảo anh cứ tạm thời chờ ở cửa. Cầm được cái túi, tên quan thấy có gì đó tròn tròn ở trong thì khấp khởi mừng thầm. Hắn bước qua ngưỡng cửa hoàng cung bèn giở ra xem thực hư như thế nào để tìm cách chiếm đoạt. Ai dè mở túi ra nó bay vụt mất.
Chàng Ngốc thấy vậy túm lấy tên quan bắt đền. Anh giơ tay đánh trống ở hoàng cung vang lên. Bọn lính kéo anh ra cửa đánh. Chàng khóc ầm ĩ. Thấy động vua sai người ra dẫn chàng Ngốc vào hỏi sự tình. Ngốc tâu:
– Muôn tâu bệ hạ, tôi đi ở mười lăm năm được ba nén vàng, rồi sáu nén bạc, rồi một ngàn vuông “lụa đinh kiến” rồi cái “thiên địa vận” mới được hòn “ngọc lưu ly” để đem vào dâng bệ hạ, thế mà cái ông quan kia mở túi làm viên ngọc bay mất. Xin ngài rủ lòng thương xử cho con với.
Tên gian thần thì ra sức chối cãi, xong vua vẫn phán:
– Tên dân này đem hòn ngọc lạ dâng ta. Ðó là ý tốt. Ðể mua viên ngọc đó hắn tốn bao nhiêu công sức và tiền của, vậy kẻ làm mất viên ngọc không chỉ có tội với ta, mà còn phải bồi thường cho người có ngọc đủ số chi phí để có viên ngọc quý đó.
Ðoạn vua quay sang nói với chàng Ngốc:
– Trẫm ban cho ngươi một chức quan nhỏ để thưởng công cho lòng trung hiếu với trẫm.
Chàng Ngốc sướng đến run người, chàng nhận đủ số tiền bồi thường và vui vẻ đi nhậm chức quan mà nhà vua đã ban cho chàng.