Truyện cổ tích Cái chết của bốn ông sư

Xưa có một người làm nghề kiếm mật ong và sáp nuôi thân. Hàng ngày ông ta đeo trên lưng một chiếc gùi[1], tay cầm cán có buộc bùi nhùi và giẻ đi vào rừng tìm tổ ong. Một hôm đang đi trên một con đường vắng, ông bỗng nghe ong kêu vù vù, ngẩng nhìn lên thì thấy một tổ ong mật. Mừng quá, bèn như thường lệ, ông đốt bùi nhùi rồi trèo lên cây đuổi ong đi để gỡ lấy sáp và mật. Nhưng tổ ong hôm ấy lớn quá, ông thu được một gùi đầy ắp nên không thể xuống được, vì cây vốn đã khó trèo, lại sợ không khéo đổ hết mật thì uổng. Đành phải ngồi lại ở một cành chẽ ba, đợi có người đi qua nhờ họ giúp cho xuống. Đợi đến trưa, ông bỗng nhác thấy bóng một con voi sắp sửa đi tới, trên đầu có một thằng nài. Người kiếm mật mừng quá, bèn nói lớn: – Anh nài ơi anh nài! Vì tôi lấy được nhiều mật và sáp mà cây lại khó xuống, anh hãy làm ơn đỡ tôi một tí, tôi sẽ chia cho một nửa về mà dùng.

Từ xa, anh này đã nhìn thấy thế cheo leo của người kiếm mật, liền nghĩ ngay một cách giúp bèn đáp:

– Ông hãy leo nhanh ra phía ngoài nhánh cây, hai tay nắm lấy nhánh rồi buông thõng chân xuống, tôi đứng ở lưng voi, tôi sẽ đỡ ông. Mau lên!

Nói đoạn anh nài bèn đứng dậy chuẩn bị tư thế chờ voi đến nơi để kịp thời đỡ người kiếm mật. Nhưng khi hai tay anh nài nắm lấy hai chân người kiếm mật, thì con voi tưởng là giục nó đi nhanh, bèn cứ thẳng đường rảo bước. Thành thử nài ta hổng chân, đã không đỡ được người kiếm mật mà lại đu người vào chân ông ta. Về phía người kiếm mật đã đeo một gùi nặng sau lưng lại đeo thêm một khối nặng ở dưới chân, bên càu nhàu:

– Ối! Anh hãy buông tôi ra mau, không có nhánh cây mà gãy, cả hai rơi xuống gãy cổ chết hết bây giờ.

Nài ta cũng nổi xung nhưng nén giận, nói:

– Buông sao được! Buông thì què mất còn gì. Tôi không ngờ vì ông mà phải thế này. Thôi ông hãy níu cho chắc đừng có buông mà chết cả đôi.

Thế là cả hai rên rỉ trên cây cao, riêng nài ta vẫn bám chặt vào hai chân người kiếm mật.

May sao, chỉ chừng giập bã trầu, bỗng có bốn ông sư đi làm đám về qua đó. Thấy họ, hai người mừng rỡ như gặp cứu tinh, bèn nói chõ xuống:

– Bạch các thầy, xin các thầy hãy thương lấy chúng tôi. Cứu được một người phúc đẳng hà sa. Có sáp đầy gùi đây, chúng tôi xin dâng tất cả để cúng Phật.

Bốn nhà tu hành “phát bồ đề tâm”, vội nghĩ cách cứu hai người bị cảnh nguy cấp. Họ đều bối rối không biết tính thế nào. Sau cùng có một người hiến kế giở tấm vải bọc quyển kinh ra, buộc mỗi góc tấm vải vào cổ một người, và ai nấy đều đứng ưỡn cổ ra phía sau, thủ thế dưới chỗ nhánh cây cho hai người kia nhảy xuống đúng vào giữa tấm vải.

Như vậy dù vải có rách thì cũng không làm cho họ đau đớn, ít nhất là khỏi chết oan mạng. Nghe nói, cả ba vị sư kia đều lấy làm phải, và họ bắt tay vào làm ngay. Xong, họ ra hiệu. Trên cây cả hai người buông tay rơi trúng đích, lăn vào lòng tấm vải. Nhưng thật là bất ngờ. Vì quá nặng, nên bốn cái đầu trọc va vào nhau quá mạnh, chết ngay tại chỗ, không kịp la. Hai người kia thấy vậy, nghĩ đến gông cùm đang chờ mình ở công đường, nên không ai bảo ai, trốn ngay tắp lự.

Gần chỗ xảy ra tai nạn không xa, có một cái quán bán rượu. Chủ quán là một người đàn bà, nhưng hôm ấy lại đi vắng, mãi đến quá trưa mới về. Thấy có bốn cái xác sư ông chết ở gần quán của mình, thì hồn vía mụ lên mây, không phải vì sợ hồn ma quấy phá, mà sợ rồi đây quan nha lính tráng hương chức làm tình làm tội, khó lòng sống nổi. Nghĩ vậy mụ quán đem hết can đảm và sức lực lần lượt lôi bốn cái xác kia về phía sau quán để tìm cách chôn đi cho biệt tích.

Khi mụ kéo xong cái xác thứ tư thì ngoài cửa bỗng có một người đi vào. Mụ quán xanh mắt tường việc của mình đã bại lộ. Vừa ló mặt ra nhìn, mụ mới biết đó là một lão sãi[2], khách hàng quen thuộc vẫn hay đến quán mụ để thỉnh thoảng làm vài chén ấm bụng. Chợt nghĩ ra được một kế, mụ quán ân cần rót cho khách một chén rượu ngon, rồi làm bộ rầu rĩ, nói:

– Tôi vô phúc có một đứa cháu trai mấy lâu đi ở với người ta, rồi nó mang bệnh trở về. Tôi đã cạo đầu cho nó để may ra nhờ Phật tổ tế độ cho khỏi tiền oan nghiệp chướng, không ngờ ngày hôm qua nó nhiễm gió độc mà chết. Tôi già cả chẳng biết tính liệu làm sao, thật là cơ khổ.

Sãi ta vốn quen nghề chôn cất thuê, liền đáp ngay:

– Khó gì việc ấy. Chỉ một vài nhát thuổng là xong, tôi sẽ giúp cho mụ. Còn công xá thì mụ cho tôi vài bầu rượu là đủ.

Mụ quán không từ chối tấm nhiệt tình của sãi, bèn nói:

– Lão cứ giúp tôi chu tất, rồi muốn uống bao nhiêu cứ đến đây mà uống, tôi có tiếc gì.

– Thế thì mượn cho tôi một cái cuốc, một cái thuổng, chập tối tôi sẽ đến.

Chập tối lão sãi đến rất đúng hẹn. Mụ quán đã lấy chiếu bọc cái xác thứ nhất bó thành một bó. Lão vác lên vai rồi cầm cuốc thuổng dò dẫm đi lên cồn hoang quen thuộc sau khi phải qua một cái cầu tre gập ghềnh.

Nhưng khi lão chôn xong, vừa về quán đã thấy mụ quán đang ngồi khóc trước một bó chiếu đặt giữa quán. Lão chưng hửng:

– Lạ chưa, lại còn xác nào đây?

Mụ mếu máo nói:

– Lão chưa biết, cháu nó vốn mồ côi cha mẹ nên rất mến tôi. Hồi nó đi ở, tôi phải la mắng năm hồi bảy chập, nó mới chịu ra đi. Nay nó chết oan, không nỡ bỏ tôi, lại tìm cách lộn trở về. Ôi cháu ơi là cháu?

Lão sãi sờ vào đầu quả thấy cái đầu trọc, thì tỏ vẻ tin, nói:

– Lạ quá! Thôi được, tôi sẽ mang đi xa hơn và đào sâu hơn, coi thử nó có về được nữa hay không?

Thế rồi cầm bát rượu của mụ quán trao cho, lão làm một tợp rồi vác bó chiếu cắm cổ ra đi.

Nhưng lúc lão ta về quán lần thứ hai thì lại đã thấy một bó chiếu đặt nằm giữa quán như trước. Lão không cón hiểu thế nào nữa, hỏi dồn:

– Lạ chửa. Nó vẫn còn về sao?

Mụ trả lời nước mắt giàn giụa:

– Tôi đã dặn rồi, không đào sâu chôn chặt thì nó còn làm khổ cả tôi và ông. Cháu tôi thiêng lắm.

– Thôi được, lần này tôi chôn thì không thể nào về được nữa.

Nói rồi lão lại vác bó chiếu lên vai ra đi. Nhưng lần thứ ba trở về lão lại thấy lù lù giữa quán một bó chiếu như cũ. Lão dụi mắt nhìn cho rõ. Vẫn cái đầu trọc lấp ló trong chiếu.

Lần này mụ quán làm mặt giận, nói:

– Tôi tưởng lão đã quen với việc đó, có ngờ đâu cứ để nó lộn về mãi thế này. Thật là cháu tôi làm tội làm tình lão mà rồi đêm nay nó còn làm phiền tôi đến đâu.

Sãi ta tuy bực hết sức nhưng cũng dịu giọng:

– Cả đời tôi chôn biết bao nhiêu là xác rồi, chưa bao giờ tôi thấy lạ lùng như hôm nay. Thôi mụ bớt giận. Để tôi chôn lần nữa coi. Nếu nó còn về thì tôi thề không làm cái nghề này nữa.

Nói rồi lão lại vác bó chiếu đi. Đến một nơi xa, lão đào lỗ sâu quá đầu người rồi mới bỏ bó chiếu xuống, lại nện đất thật chặt mới ra về.

Khi lão về đến cầu, tuy đêm hôm tối tăm, lão vẫn nhận ra một cái bóng như bóng người đang ngồi xổm ở mép cầu. Tiến lại gần: lão đã nhìn thấy thấp thoáng một cái đầu trọc. Lão chép miệng: – “Chết thật. Cả đêm nay, tao những khổ sở về mày. Mày có quyến luyến bác mày cũng phải nể tao với chứ. Tao đã vì mày đào sâu chôn chặt đến bốn lần rồi, vậy mà bây giờ mày còn định làm tội làm tình như thế nào nữa?”. Số là người ngồi ở cầu vốn là một chú tiểu đêm khuya ra ngồi phóng uế, không ngờ lại nhằm vào lúc lão sãi vừa chôn cái xác thứ tư trở về. Thấy có người tới, tiểu ta vội đứng dậy định đi, nhưng lão sãi đã cho một đạp lộn cổ xuống sông, vừa đạp lão vừa nói:

– Tao mệt lắm rồi, thôi lần này cho mày xuống thủy phủ đi thôi[3]. KHẢO DỊ

Cũng ở miền Nam, truyện này còn có một dị bản Bốn anh thầy chùa đi làm đám, kể như sau:

Có bốn thầy chùa và một hòa thượng (thầy cả) đi làm đám. Chủ dọn cơm, cả năm từ chối không ăn, cốt để lấy tiền. Về dọc đường bụng đói, thấy có cây dừa có quả, bèn bàn nhau bẻ trộm đưa về ăn. Thầy cả nói: – “Chúng ta là kẻ tu hành, dừa quẳng xuống thình thình làm động đất, người ta mà biết thì xấu hổ”. Cũng như truyện trên, hắn nghĩ cách quẳng dừa xuống không có tiếng động bằng cách cho bốn thầy nắm bốn chéo một tấm chăn, để mình leo lên hái, ném vào chăn. Không ngờ thầy cả tham lam, hái một lúc cả buồng nặng quá. Khi thả xuống, chăn kéo mạnh, bốn người va đầu vào nhau, chết cả. Thầy cả thất kinh chạy nhanh về chùa. Thấy một tên trộm đang rình, thầy bảo hắn đừng ăn trộm, thầy sẽ thuê chôn một thầy chùa “mắc dịch” với số tiền một trăm quan, nhưng cũng dặn chôn kỹ kẻo nó về. Tên trộm nhận lời, và cũng như lão sãi trong truyện trên, mắc lừa thầy cả, mất công đến bốn lần. Nhưng ở đây lần thứ tư, tên trộm không chôn nữa mà ném xác xuống sông. Tiếng động làm cho một người hủi trọc đầu ngồi ở cầu giật mình ngã lộn cổ xuống sông. Hắn vội bơi vào bờ, nhưng tên trộm lại tưởng đó là xác thầy chùa lộn trở về liền chạy xuống bờ đập đầu hắn xuống nước, và nói: – “Mày còn hành tội tao nữa hay thôi”[4].

Mô-típ trên đây cũng phổ biến trong truyện của một số dân tộc, trong đó có truyện của Căm-pu-chia là gần với truyện của ta hơn cả. Truyện này khá dài, gồm nhiều truyện nhỏ mang chất hài hước từng được in trên báo phát hành ở Phnôm-pênh. Đoạn kể dưới đây là phần cuối:

Có bốn người tuổi già đầu hói, chưa vợ, may được một bà già thuận làm vợ cả bốn. Nhưng vì bị vợ bắt phải làm việc quá mệt nên rủ nhau đi tìm một nô lệ. Họ gặp một anh đan rổ giỏi, nhưng giấu nghề, đem lên cây cọ ngồi đan chẳng may trượt chân rơi, nhờ nắm được một tàu lá, rồi lại nhờ một thằng nài cứu, nhưng cũng như truyện của ta, vì voi đi nhanh nên cuối cùng cả hai ở trong tư thế thằng nài ôm lấy chân anh đan rổ, anh đan rổ bám lủng lẳng vào một tàu lá (Xem Khảo dị truyện số 196). Để cứu hai người kia, ở đây bốn người này lấy khố quấn vào cổ, mỗi người cố ưỡn về phía sau, và kết quả cả bốn đều chết một lúc. Thấy họ chết, hai người kia đi báo cho bà già vợ chung của họ biết. Người này cũng bí mật kéo xác về, thuê một người làm nghề thiêu xác (chứ không phải chôn xác) thiêu giúp, và cũng thuê thiêu một xác, nhưng lại lần lượt đưa ra đến bốn xác, nói dối là: – “Ông thiêu thế nào mà chồng tôi đã về đây rồi. Ông không nhớ tôi đã nói với ông là chồng tôi thương tôi lắm sao”. Người kia sau khi thiêu đến lần thứ tư, về dọc đường gặp một người làm nghề đốt than trở về. Tưởng là xác chết lại lộn về lại, người thiêu xác bảo: – “Mày thật là đồ ác nghiệt, tao đã phải đốt đến lần thú tư, thế mà bây giờ mày lại dẫn xác về đây rồi”. Nói xong hắn ôm lấy người đốt than. Lão này chống lại, nhưng sức yếu, cuối cùng bị hắn đánh chết ném vào lửa[5].

Dị bản này ở người Thái-lan là truyện Nhà sư già muốn lấy vợ.

Một nhà sư leo lên cây, hụt tay rơi xuống, may bám được một cành lá thốt nốt treo lơ lửng. Nhờ bốn người tu hành khác đi qua giúp cho xuống bằng cung cách mà họ tưởng là an toàn, như các truyện trên. Kết quả cũng thế, bốn cái đầu va vào nhau chết cả. Trong khi nhà sư bỏ trốn, thì một người đàn bà nhà ở gần đấy sợ bị vạ lây bèn đi tìm một sư già nhờ đốt xác hộ. Sư già chỉ bằng lòng với điều kiện là chị ta phải lấy mình sau khi mình hoàn tục. Chị này vốn chẳng thích lấy sư già nhưng không có cách nào khác, đành phải nhận.

Cũng như truyện trên, sư già phải đốt đến bốn lần. Lần thứ tư, hắn bực mình, chặt đứt đầu cái xác mà đốt. Vừa lúc ấy có một nhà tu hành khác đi đường bị bọn cướp chém phải đầu, vùng thoát được, chạy đến định nhờ sư già băng bó. Không ngờ sư già lại tưởng là ma sống lại, bèn nắm lấy hắn ném vào lửa, nhưng hắn còn khỏe, vùng chống lại và cuối cùng cả hai đều chết trong lửa. Thấy vậy người đàn bà yên lòng vì chị ta rất không muốn kết duyên với sư già[6].

Dị bản ở người Lào cũng gần như truyện của Thái-lan:

Có bốn chàng trai đầu hói. Họ gặp hai chị em, cả bốn anh đều thích cô em. Vì bốn anh em giống nhau như đúc nên cô em nhầm, thành ra tằng tịu với cả bốn. Cô chị ghen tức, một hôm bỏ thuốc độc trộn vào cơm dọn cho ăn làm cả bốn người cùng chết một lúc. Hoảng sợ, cô nhờ một người phu thiêu xác giúp đỡ. Nhưng cũng như các truyện trên, cô chị lúc đầu đưa ra một cái xác thuê một số tiền là hai mươi bạt và dặn phải đốt kỹ kẻo ma lại lộn về. Thế rồi, khi người phu thiêu xong cái xác thứ nhất, cô lại đẩy ra cái xác thứ hai, và cứ thế lần lượt đẩy ra đến cái xác thứ tư. Người phu thiêu bực mình sẵn, khi đốt xong xác thứ tư, gặp một người đầu trọc đi qua. – “Mày đi đâu?”, hắn hỏi. Người kia đáp: – “Đi chợ” – “Đừng hòng nói dối. Tao đốt mày bốn lần rồi mà mày còn cứ về quấy mãi”. Cũng như truyện vừa kể, hắn nói rồi bèn kéo người kia vào đống lửa, nhưng y chống lại kịch liệt, cuối cùng cả hai đều chết[7].

Người Lào còn có một truyện Bốn nhà sư, nhưng lại thuộc nhóm truyện phân xử, có kết thúc khác với truyện vừa kể:

Một người treo cây xoài hái quả, mất thăng bằng bị ngã, cũng níu được một nhánh treo tòn ten trên đường đi. Cũng có một người nài cưỡi voi đi qua Người kia xin giúp, hứa trả một trăm đồng vàng. Nài ta cũng đứng dậy giơ tay đỡ, nhưng voi cứ trớn voi đi, làm cho nài phải nắm lấy chân người kia và cả hai đành treo tòn ten. Sau đó thấy một người thợ săn đi qua, nài ta xin biếu một trăm đồng vàng nhờ cứu hộ. Người thợ sẵn cuối cùng giúp được hai gã khỏi nguy, không có chuyện chết chóc như các truyện trên.

Nhưng tiếp đến là một cuộc cãi lộn nổ ra giữa hai người về số tiền đã hứa. Việc đưa lên vua Muyn-la Tan-tai. Vua xử cho người nài phải trả hai phần ba số tiền với lý do là chẳng những nó phải hàm ơn người thợ săn mà còn hàm ơn người hái xoài vì nếu không cơ hai cánh tay lực sĩ của người sau thì nó không tránh khỏi chết[8].

Người Đức có một truyện ngụ ngôn cũng trương tự với các truyện trên:

Một người đàn bà có chồng giúp, lần lượt tống khứ được ba thầy tu hổ mang bằng cách đẩy chúng vào thùng nước sôi. Người chồng thuê một người học trò say rượu ném hộ xác xuống sông. Cũng như các truyện trên, thuê thì một xác, nhưng lại đưa ra đến ba, cũng nói dối là ma lộn trở về, lại làm bộ mắng sao không làm chu đáo. Quẳng đến lần thứ ba, người học trò thấy một tu sĩ đi chơi, tưởng là ma lại trở về nữa, bèn ôm lấy tu sĩ vứt nốt xuống sông.

Một loạt chuyện sau đây tuy có khác nội dung, nhưng cũng cùng một loại với các truyện đã kể. Truyện của Pháp: Jăng nghèo và Jăng giàu:

Một bà già có hai con trai, bao nhiêu của nả bà ta cho người con thứ tất (Jăng giàu), còn con đầu lòng đã có vợ con thì không được gì (Jăng nghèo). Người anh thường bảo em: – “Thế là mày ăn trộm của tao, nhưng rồi tao sẽ lấy lại”. Một hôm mẹ ốm, em mời anh đến nhà. Người anh cho mẹ mình ăn một thứ bánh để đã bảy năm. Mẹ chết. Người anh bảo em mặc quần áo đeo trang sức vào xác cho đẹp và đưa chôn. Đêm lại, anh lại đào lên mang đến nhà em đặt ở máng ngựa. Sáng dậy, người em thấy thế sợ quá, gọi anh đến nhờ chôn. Anh đòi phải nhiều tiền. Đêm, anh lại mang xác mẹ đặt trên tường nhà của một nam tước gần cây táo, lại đặt một quả táo ở bên cạnh. Nam tước dậy tưởng là ăn trộm liền đẩy xuống khỏi tường. Khi thấy xác chết sợ quá, mời Jăng nghèo tới nhờ chôn hộ. Hắn đòi phải có tám chục nghìn quan. Chờ tối, hắn lại mang xác tới nhà một tu sĩ, gọi nhỏ bằng một giọng thê thảm: – “Hối lỗi đi tu sĩ, hối lỗi vì Chúa”. Tu sĩ dậy thấy xác, khẩn khoản thuê Jăng nghèo mười bảy nghìn quan, nhờ chôn. Hắn ta lại mua một con lừa cột xác mẹ lên lưng với tư thế đang ngồi và dắt lừa đi chợ. Đến chợ, hắn để lừa đi tự do, lừa giẫm phải hàng đồ gốm. Lão hàng gốm ném một hòn đá, cái xác ngã lăn ra. Jăng nghèo bắt vạ, lại được một mẻ tiền nữa.

Truyện của người Ê-cốt-xcơ (Écosse):

Có hai anh em: anh thì giàu có, còn em nghèo xác xơ. Nhà người em có người đầy tớ mưu trí. Trong nhà chỉ toàn ăn lương khô, người đầy tớ bảo tội gì mà không đi ăn trộm con bò cái của người anh. Người anh mất bò, không bắt được quả tang, bèn cho mẹ vợ nằm vào một thùng kín có khoét lỗ thở, đoạn giả bộ gửi thùng ở nhà em, kỳ thực là để nghe ngóng xem có phải em ăn trộm con bò của mình không. Đầy tớ biết là trong thùng có người, bèn lấy miếng pho-mát nút lỗ lại. Khi người anh đem thùng về, thấy mẹ vợ đã chết, bèn đưa đi chôn. Đêm lại đầy tớ đào lên lấy vải khâm liệm, rồi đặt xác trong nhà người anh cho ngồi gần lò sưởi, que còi lửa đặt ở đầu gối. Sáng đậy, người anh hoảng sợ, phải đi kiếm em nhờ chôn hộ. Em đòi tiền công cao mới chôn.

Lần thứ hai, đầy tớ lại đào lấy xác cho đứng ở bàn. Rồi lại đến lượt đào lên đặt ở chuồng ngựa, buộc xác lên lưng ngựa con. Mỗi lần như thế, người anh lại phải nhờ em chôn, muốn lấy bao nhiêu tiền công cũng trả. Sau người em trở nên giàu bằng anh.

Cũng như truyện vừa kể, ở truyện của người Xu-áp-bơ cũng có tình tiết:

Một mục sư cho mẹ vợ nằm trong thùng kín để dò la con lợn bị mất, vì ngờ cho người giữ đồ thánh ăn trộm của mình. Người này biết việc đó bèn đốt một miếng lưu huỳnh, người đàn bà nằm trong thùng bị ngạt mà chết. Mục sư sợ người ta cho là mình tiếc của (vì lúc bà nhạc ốm không gọi thầy thuốc) nên khẩn khoản nhờ người giữ đồ thánh bí mật chôn hộ với một số tiền lớn. Người này lén mang xác đặt ở kho lúa của mục sư. Sáng dậy, mục sư trông thấy kinh hoảng, cho là bà mẹ vợ mình vốn là một tay phù thủy nên hay trở về. Lại nhờ hắn chôn lần thứ hai với số tiền một trăm đồng. Hắn mang xác vào rừng. Trong khi đi dường, gặp một người bán hàng rong đang ngủ, hắn lén bỏ xác vào thùng hàng. Tỉnh dậy, người bán hàng không ngờ gì cả cứ thế chở thùng thẳng đến cho khách hàng mà khách hàng hôm ấy lại là mục sư. Mục sư mở thùng lại thấy xác bà nhạc thì thất kinh, lại phải thuê hắn – người giữ đồ thánh – hai trăm đồng, và thêm hai trăm đồng nữa để hắn chôn thế nào cho đừng trở về.

Truyện của người Bồ-đào-nha (Portugal) phần nào giống với truyện của Pháp:

Có hai anh em trai, anh chiếm hết gia tài của bố mẹ để lại, em có nhiều con thì lại rất túng bấn. Một hôm một con bê của người anh rơi xuống rãnh. Mấy đứa con của người em làm thịt chén và cho bố ăn. Ở đây cũng có chuyện người nằm trong thùng kín như hai truyện vừa kể, nhưng không phải bà nhạc, mà là vợ của người anh. Khi mấy đứa con người em cao hứng kể lại chuyện bắt trộm con bê, mụ đàn bà trong thùng nghe được không ngăn nổi cơn giận dữ. Nghe trong thùng có tiếng động, mấy đứa tưởng là chuột, bèn đổ nước sôi vào chỗ có lỗ vì không biết đó là lỗ thở. Mang thùng về thì vợ đã chết, người anh tưởng là bị Chúa Trời phạt vì đã nghi bậy cho em. Trước khi chôn, người ta đặt xác ở nhà thờ. Đêm lại, em tới lột hết đồ trang sức và đặt dựng đứng xác trên bàn thờ. Sáng dậy, mọi người trông thấy, khiếp đảm. Sau khi chôn xong, em lại đào lên lấy đồ trang sức một lần nữa, rồi bỏ vào trong một cái túi đựng lợn mà một bọn học trò đã dùng để ăn trộm một con lợn nhưng chưa đưa đi thoát. Bọn này khi mở túi để lấy lợn, thấy cái xác, liền dựng xác trước cửa một nhà nọ. Người nhà này tưởng là kẻ trộm, nên đánh thẳng tay. Thấy kẻ trộm ngã xuống mới biết là đã chết, hắn bèn cột xác lên lưng một con lừa.

Sau nhiều cuộc phiêu lưu nữa, cái xác lại tình cờ trở về nhà người anh, và người này phải trả cho em phần tài sản đã chiếm đoạt để hy vọng vợ mình được Chúa tha tội không trở về nữa[9].

[1] Gùi: đồ đựng của người miền núi đan bằng tre có dây đeo vai khi đi đường như kiểu mang “xắc” ngày nay.

[2] Sãi chỉ những người làm một số nghề lao động nhất định, như chôn ma thuê, chèo đò, phục dịch nhà chùa, v.v…

[3] Theo Lăng-đơ (Landes), sách đã dẫn và Jê-ni-bren (Génibrel). Chuyện đời xưa mới in ra lần đầu hết.

[4] Theo Jê-ni-bren (Génibrel), như trên.

[5] Theo Mác-ti-ni (Martini) và Béc-na (Bernard). Truyện dân gian Căm-pu-chia chưa hề in.

[6] Theo Pháp Á tạp chí.

[7] Theo Bren-gơ (Brengues). Truyện dân gian Lào, trong Tạp chí Đông-dương số 1 (1904).

[8] Theo BEFEO, tập XVII, số 5 (1917).

[9] Đều theo Cô-xcanh (Cosquin), sách đã dẫn.

Chia sẻ bài viết:

Facebook
Pinterest
Digg
X
Threads
Print